TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn
TS. Đặng Kim Khôi
Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, Bộ NN&PTNT
Chiến lược, chính sách, thể chế nông nghiệp xanh
Trong những năm gần đây, nông nghiệp xanh được xác định là một hướng đi quan trọng để hướng tới sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp. Ngày 10/6/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 899/2013/ QĐ-TTg phê duyệt đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững, nhấn mạnh 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường trong phát triển nông nghiệp.
Để triển khai Quyết định số 899/2013/QĐ-TTg, Chính phủ đã đề ra ba nhóm chính sách. Nhóm thứ nhất quy định trực tiếp liên quan đến nông nghiệp xanh bao gồm quy hoạch và phân vùng sử dụng đất, các yêu cầu về đánh giá môi trường, giám sát và kiểm soát việc sử dụng phân bón thuốc trừ sâu, giám sát các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, các chế tài xử phạt vi phạm môi trường. Nhóm chính sách thứ hai là các công cụ thị trường để giúp người sản xuất nông nghiệp thực hiện các thực hành nông nghiệp thân thiện với môi trường. Các công cụ của nhóm chính sách này gồm giấy phép khí thải các-bon, trợ cấp hỗ trợ việc nghiên cứu và áp dụng các công nghệ xanh, chi trả dịch vụ môi trường, hình thành các Quỹ BVMT, áp dụng các loại phí BVMT và thuế sử dụng tài nguyên. Nhóm chính sách thứ ba liên quan đến công nghệ và giáo dục nâng cao nhận thức, bao gồm việc xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu về nông nghiệp xanh, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ xanh, công bố các trường hợp gây hại môi trường đối với cộng đồng, giáo dục và nâng cao nhận thức, hình thành các nhãn hiệu sinh thái dựa trên các quy trình thân thiện môi trường (VietGAP, UTZ...)
Việt Nam đã thành lập Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững Việt Nam và Văn phòng Tăng trưởng bền vững để thực hiện và thúc đẩy TTX quốc gia. Đối với ngành nông nghiệp, Bộ NN&PTNT cũng đã thành lập Ban chỉ đạo về Phát triển bền vững vào năm 2013 để xây dựng các chương trình/kế hoạch hành động cho phát triển bền vững trong kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2015-2020 và lồng ghép nội dung chiến lược phát triển bền vững giai đoạn 2011-2020 vào quá trình hoạch định chính sách.
Nhìn chung, hệ thống chính sách, thể chế liên quan đến nông nghiệp xanh của Việt Nam khá đầy đủ với sự phối hợp của nhiều loại công cụ có các chức năng khác nhau. Tuy nhiên, khung chính sách này vẫn còn nhiều điểm bất cập cần tháo gỡ.
Lập kế hoạch và phân vùng sử dụng đất: Trên thực tế, việc quy hoạch và phân vùng sử dụng đất thường xuyên xảy ra sai phạm bởi thiếu sự phối hợp và nhất quán giữa các ngành và các tỉnh/thành trong việc lập kế hoạch và phân vùng sử dụng đất. Trong một số trường hợp, quyền lợi của các bên liên quan như các công ty, chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự và những tổ chức khác không được xem xét đầy đủ khi xây dựng các quy hoạch. Mặt khác, lợi nhuận từ việc vi phạm quyền sử dụng đất để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp thường cao hơn nhiều so với việc tuân thủ các điều khoản sử dụng đất. Chi phí giao dịch cho việc giám sát một số lượng lớn các nhà sản xuất nhỏ theo quy hoạch và phân vùng sử dụng đất là rất cao.
Đánh giá môi trường: Nhìn chung, chính sách này được các doanh nghiệp thực hiện một cách nghiêm túc. Tuy nhiên, việc giám sát doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp theo khung đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với một số lượng lớn các doanh nghiệp quy mô nhỏ và các đơn vị sản xuất trong lĩnh vực nông thôn là rất tốn kém. Vì vậy, trên thực tế các hoạt động giám sát của ĐTM còn nhiều hạn chế.
Đánh giá và giám sát thuốc trừ sâu, phân bón, và an toàn thực phẩm: Đây là một trong những điểm yếu của nền nông nghiệp Việt Nam. Chất lượng quản lý của toàn bộ chuỗi giá trị được chia làm ba phân khúc riêng biệt: đầu vào nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp, và phân phối sản phẩm ra thị trường. Hiện có quá nhiều cơ quan chuyên trách để đánh giá và giám sát đối với từng phân khúc nhưng sự phối hợp và hợp tác giữa các cơ quan này là rất hạn chế. Cuối cùng là việc thiếu một hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các thực hành thân thiện với môi trường như VietGAP và các tiêu chuẩn tự nguyện khác đã làm hạn chế năng lực của các cơ quan chức năng trong việc giám sát chất lượng của các hóa chất nông nghiệp và chất lượng thực phẩm.
Trợ cấp cho nông nghiệp xanh: Gần đây, Chính phủ đã tập trung vào vấn đề này, tuy nhiên, Việt Nam còn đang thiếu một chiến lược rõ ràng (hoặc chỉ là một danh sách ưu tiên) cho công nghệ nông nghiệp xanh để tận dụng lợi thế về sức mạnh của nông nghiệp và nắm bắt thị trường cho sản phẩm nông nghiệp xanh trong tương lai.
Chi trả dịch vụ môi trường: Mặc dù chi trả dịch vụ môi trường rừng (FES) đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên trong quá trình thực hiện chính sách vẫn còn có những hạn chế như việc giải ngân kinh phí cho các doanh nghiệp lâm nghiệp còn chậm, việc thực hiện trách nhiệm của cá nhân đối với FES vẫn chưa đủ, các khoản nợ của FES vẫn còn tồn tại. Bên cạnh đó, sự phối hợp thiếu chặt chẽ giữa các Bộ đã dẫn đến thực trạng các doanh nghiệp từ chối trả FES.
Thuế, phí môi trường: Hiện nay, mặc dù hệ thống chính sách về tính phí môi trường đã được hoàn thành, tuy nhiên tác động của các quy định vẫn còn hạn chế. Phí môi trường đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong việc thu ngân và thực thi, vì sản xuất nông nghiệp của Việt Nam vẫn ở quy mô nhỏ, lượng khí thải từ mỗi hộ gia đình sản xuất nông nghiệp là thấp, trong khi chi phí giao dịch thu lệ phí và thực thi là cao. Đối với thuế môi trường, do được tính vào giá của sản phẩm, nên trong hầu hết các trường hợp, các hộ gia đình nhỏ không nhận thức được sự tồn tại của thuế này.
Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp xanh: Công tác phối hợp trong khoa học và công nghệ ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. Hầu hết, các viện nghiên cứu và trường đại học không làm việc cùng các đơn vị thụ hưởng (doanh nghiệp và người nông dân), những người cần và sử dụng các phát minh/cải tiến. Hệ quả là phần lớn các sản phẩm của các cơ quan nghiên cứu không đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng/người mua sản phẩm. Hơn nữa, sự thiếu phối hợp trong kỹ thuật và chia sẻ dữ liệu cũng làm giảm hiệu quả của quá trình hoạch định chính sách.
Chiến dịch giáo dục và nâng cao nhận thức: Công tác truyền thông và nâng cao nhận thức chưa có những bước chuyển đáng kể trong việc thay đổi quan điểm và nhận thức của người sản xuất và tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp. Vai trò của các tổ chức xã hội như Hội Nông dân và Hiệp hội người tiêu dùng Việt Nam trong khuyến khích nông nghiệp xanh vẫn còn hạn chế.
Đề xuất chính sách
Để vượt qua những rào cản khi thực hiện nông nghiệp xanh và nắm bắt cơ hội trong bối cảnh phát triển mới, xin đề xuất một số định hướng:
Xác định tầm nhìn nông nghiệp xanh: Ưu tiên hàng đầu đối với các đơn vị chính quyền cấp quốc gia, tỉnh/thành và địa phương là phát triển một khái niệm và các chỉ số về nông nghiệp xanh hoặc một tầm nhìn cho nông nghiệp xanh. Trong chiến lược này, mục tiêu phát triển ngành cần được tích hợp với mục tiêu bảo vệ tài nguyên môi trường; mục tiêu phát triển nông nghiệp nông thôn xanh cần phải phù hợp với mục tiêu phát triển các ngành khác. Điều này đòi hỏi sự gắn kết và tham gia của nhiều đối tượng, những người có thể chia sẻ tầm nhìn và cùng thực hiện.
Xây dựng hệ thống chính sách nông nghiệp xanh và xác định rõ vai trò của chính sách Trung ương và địa phương: Dựa trên tầm nhìn này, cần thiết xây dựng hỗ trợ chính sách cấp cao và đa ngành để triển khai bản chiến lược tăng trưởng nông nghiệp xanh và thiết lập các tiêu chuẩn nhằm bảo vệ sức khỏe con người, hệ sinh thái và tiếp cận tài nguyên. Vai trò rõ ràng của các cấp chính quyền rất quan trọng trong việc đảm bảo sự thành công khi thực hiện chiến lược tăng trưởng nông nghiệp xanh.
Nhân rộng các mô hình nông nghiệp xanh: Các tổ chức xã hội dân sự đã phát triển nhiều mô hình thí điểm, nghiên cứu các phương pháp sản xuất mới và thực hành quản lý tài nguyên thiên nhiên đã khắc phục được sự đánh đổi giữa năng suất nông nghiệp và mục tiêu môi trường. Do đó, cần phải đánh giá các tác động kinh tế, xã hội và môi trường của thực hành nông nghiệp xanh và kiểm tra những ưu điểm/nhược điểm của các mô hình này để nâng cấp, tăng quy mô và nhân rộng.
Hỗ trợ và tích hợp các chứng chỉ môi trường vào chiến lược chính sách: Chứng nhận nói chung không phải là điều kiện đủ để đạt được các mục tiêu môi trường. Các tiêu chuẩn có xu hướng tập trung vào biện pháp canh tác ở cấp độ trang trại chứ không phải các mục đích sử dụng đất và sản xuất trong một không gian lớn, do đó hiệu quả của chứng nhận trong việc đẩy mạnh đa dạng ngoài quy mô trang trại nói chung là thấp.
Vì vậy, các công cụ bổ sung khác như khuyến nông, quy hoạch sử dụng đất hoặc quản lý cảnh quan tích hợp là cẩn thiết để nâng cao hiệu quả các chứng chỉ môi trường.
Thúc đẩy liên kết nông dân - doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp xanh: Các biện pháp canh tác của nông nghiệp xanh chỉ có thể thực hiện lâu dài nếu nông dân thu được nhiều lợi nhuận hơn so với phương thức canh tác truyền thống. Điều này chỉ được đảm bảo nếu sản phẩm nông nghiệp xanh được bán ở các kênh thị trường giá trị cao, mà người nông dân thường không vươn tới được do giới hạn về năng lực. Trên thực tế, hiện nay doanh nghiệp là chìa khóa thúc đẩy chuỗi giá trị xanh ở Việt Nam do họ có vốn, năng lực quản lý và khả năng tiếp cận thông tin. Các doanh nghiệp nên tổ chức, định hướng và tạo điều kiện để các hộ nông dân nhỏ tiếp cận được với thị trường nông nghiệp xanh. Bên cạnh đó, Nhà nước nên hỗ trợ vốn và công nghệ để thúc đẩy phương pháp này trong việc tạo ra các chuỗi giá trị nông nghiệp xanh.
Thúc đẩy đa dạng hóa trong sử dụng đất dựa trên tiếp cận cảnh quan xanh: Một khi hệ thống chính sách nông nghiệp xanh và vai trò tương ứng của chính sách Trung ương và địa phương được xác định rõ ràng, có thể bắt đầu quy trình lập kế hoạch cảnh quan nông nghiệp. Tiếp cận cảnh quan thường được áp dụng trên một vùng sinh thái rộng, tại đó các ngành, Trung ương và địa phương sẽ cùng thảo luận để có được một quy hoạch cảnh quan phù hợp, đảm bảo nhu cầu phát triển sản xuất và các dịch vụ môi trường.
Theo: Trung tâm tư vấn chính sách nông nghiệp